Di tích Gò Duối
Di chỉ khảo cổ học Gò Duối là một gò đất nằm nổi cao khoảng 2m so với mặt ruộng trũng xung quanh, có hình mu rùa, diện tích khoảng 4727.3m2
Di tích Gò Duối
Di chỉ khảo cổ học Gò Duối là một gò đất nằm nổi cao khoảng 2m so với mặt ruộng trũng xung quanh, có hình mu rùa, diện tích khoảng 4727.3m2. Về tên gọi di tích, chưa có những lý giải khoa học mà gọi tên theo cách gọi của người dân địa phương, vì tên gò có nhiều cây Duối cổ thụ nên gò được gọi là Gò Duối. Ngoài ra, gò còn có tên là Gò Rộc Trum, do gò nằm cạnh một rộc nước. Ngày nay, hai tên gọi này được dân địa phương sử dụng song song, nhưng tên gọi Gò Duối thì phổ biến hơn và được sử dụng làm tên gọi cho di tích.
Gò Duối thuộc loại hình di tích khảo cổ học. Từ quá trình thám sát và khai quật có thể nhận thấy di tích Gò Duối là di chỉ cư trú và mộ táng, trong đó tính chất nổi bật là di chỉ cư trú. Gò Duối có tầng văn hóa dày, ổn định. Di vật tìm được tương đối phong phú, đa dạng về loại hình và chất liệu. Căn cứ vào diễn biến tầng văn hóa và di vật tìm được trong hố đào có thể thấy ở di chỉ Gò Duối có sự phát triển liên tục của hai giai đoạn văn hóa tiền sử sang sơ sử. Với diện tích hố khai quật 20m2 đã tìm được tổng số 3.106 hiện vật, đã cho thấy mật độ phân bố dày đặc của di vật qua 5 lớp đào. Qua đó tái hiện được phương thức sinh sống cư trú của cư dân Gò Duối cổ xưa trên mảnh đất này. Đặc biệt di vật tìm thấy trong các cụm mộ như vòng tay thủy tỉnh, bộ vòng ximen…cộng với cách thức mai táng đã phản ánh phần nào phong tục tín ngưỡng và sự phân hóa giàu nghèo trong đời sống của cư dân. Số lượng chạc gốm được tìm thấy khá nhiều, không chỉ ở đây mà còn ở các di tích lân cận, vì vậy có nhiều lý giải về công dụng của chúng được đưa ra. Đây có thể là công cụ phục vụ làm muối hoặc để phục vụ cho việc làm gốm. Tuy nhiên, vấn đề còn cần được nghiên cứu thêm. Một số viên gạch non, có hình dáng và kỹ thuật chế tạo tương tự những viên gạch được sử dụng trong xây dựng các công trình kiến trúc của văn hóa Óc Eo sau này, có thể thấy di tích đã bước vào hoặc nằm cận kề văn hóa Óc Eo.
Hiện tượng chôn mộ thành khu, dạng mộ huyệt đất, chôn theo hình thức hung táng, thuộc giai đoạn văn hóa muộn được chôn vào lớp văn hóa sớm và những đồ tùy táng chôn theo tìm thấy trong lần khai quật này có nhiều điểm tương đồng với những lần khai quật các di chỉ Lò Gạch và Gò Ô Chùa trước đó. Từ những căn cứ trên có thể nhận định, di chỉ Gò Duối có niên đại tương đồng với Gò Ô Chùa và Lò Gạch, bắt đầu khoảng 2.500 năm BP và niên đại kết thúc khoảng cận kề trước sau công nguyên.
Tính đến nay, di tích khảo cổ học Gò Duối đã trải qua 1 đợt thám sát (2007) và một đợt khai quật (2013), từ những tư liệu trong lòng đất, các nhà khảo cổ học đã có những nhận định ban đầu về niên đại, tầng văn hóa, cũng như giá trị của di tích. Đây là nơi sinh sống lâu dài của cộng đồng cư dân cổ thuộc hậu kỳ kim khí, với những hoạt động kinh tế - văn hóa phong phú, tiêu biểu là những tín ngưỡng, tục lệ chôn cất người chết. Những đặc điểm cư trú và mộ táng ở di tích có mối liên hệ với cộng đồng cư dân khác ở Đông và Tây Nam Bộ. Việc bảo tồn và tiếp tục nghiên cứu di tích này sẽ góp phần vào việc nghiên cứu giai đoạn tiền sơ sử của Nam bộ. Những phát hiện ở di chỉ Gò Duối đã góp phần vào việc nghiên cứu giai đoạn tiền sơ sử ở Long An nói riêng và Nam Bộ Việt Nam nói chung.
Với những giá trị nêu trên, di tích khảo cổ học Gò Duối đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Long An công nhận là di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1244/QĐ-UBND, ngày 08/4/2019.